Cảm nhận về bài thơ "Bỏ yêu" của Đặng Xuân Xuyến- Vũ Thị Hương Mai
Phố núi...
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "BỎ YÊU" CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Tựa đề bài thơ là "Bỏ Yêu", nhưng câu thơ đầu tiên của "Bỏ Yêu" lại là: "Em nhắn gửi ta mấy ý yêu". Có thật anh sẽ "bỏ yêu" không Đặng Xuân Xuyến? Bỏ yêu mà đọc thư, đọc lời "em nhắn gửi ta" lại để ý được những ẩn ý sâu dưới lớp ngôn từ được ngụy trang khéo léo bằng lời "em nhắn gửi" là "mấy ý yêu"? Đọc những lời "em nhắn gửi ta" chỉ thấy những hình ảnh gợi nhớ gợi thương: "mây lãng đãng" "quắt quay chiều" / "hanh hao nắng" "se se lạnh" / "lá rụng nhiều"... Những hình ảnh chi tiết, cụ thể như thế, với không gian, thời gian cũng cụ thể và chi tiết như thế thì thử hỏi gã trai với những thi phẩm như: "Say yêu", "Khát yêu", "Cuồng yêu", “Còn yêu”... có thật sự sẽ "Bỏ Yêu"? Tôi không tin và bạn đọc chắc cũng không tin vì những câu thơ của anh đã mách bảo người đọc là anh đang dối lòng, anh đang rất nhớ người yêu đấy.
Tưởng quên được tình xưa, quên được người xưa dễ lắm mà sao đọc thơ thấy đau thế Đặng Xuân Xuyến? Quên đi, bỏ đi mà nhà thơ lại nhớ những chi tiết nhỏ nhặt nhất, cứ như đốt lòng vậy thì bỏ yêu sao được?
BỎ YÊU
- Với P.T.T -
Em nhắn gửi ta mấy ý yêu
Nào mây lãng đãng quắt quay chiều
Nào hanh hao nắng se se lạnh
Nào mấy bữa nay lá rụng nhiều.
Ta có cần đâu mấy ý yêu
Đừng than nắng nhạt với mưa nhiều
Đã quen kiêu hãnh đêm lạnh vắng
Đừng díu gian ta ánh trăng thề.
Ta đã quên rồi những đam mê
Tơ giăng ngáng lối nghẽn đường về
Nhịp yêu sai lỡ ta bỏ hết
Thôi đừng rủ nguyệt níu gió mây.
Thì cứ về đây hóng gió tây
Giỡn trăng sóng soãi vắt ngang đồi
Hồn ta từ bữa đi hoang ấy
Đã chết từ lâu tiếng yêu rồi.
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Bài thơ rất chất riêng của Đặng Xuân Xuyến.
Ở góc độ nào cũng cảm nhận được sự độc đáo trong thơ của anh.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Hành đã từng nhận xét về thơ Đặng Xuân Xuyến trong bài “Về chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại”: “Dẫu thơ anh chậm xuất hiện nhưng đã gây ấn tượng bởi cái giọng điệu sắc lạnh, tốc độ, tứ ý ngồn ngộn tự nhiên, đầy tâm trạng, đủ chân thiện mỹ như: Bạn Quan, Quê nghèo, Tôi nghe, Ru con, Tim đau, Mơ trăng, Tình Nở... Nhất là thơ tình đầy trăn trở.”. Còn nhà phê bình văn học Châu Thạch trong bài “Đọc thơ Đặng Xuân Xuyến” nhận định: “Thơ của Đặng Xuân Xuyến ta thấy tính cách thơ rất ngạo nghễ, rất ngang tàng trong cuộc sống mà cũng vô cùng nồng cháy khi yêu.”. Vâng, đúng là thơ thế sự của Đặng Xuân Xuyến “giọng điệu sắc lạnh”, “tính cách thơ rất ngạo nghễ, rất ngang tàng”, “tứ ý ngồn ngộn tự nhiên, đầy tâm trạng, đủ chân thiện mỹ”, và thơ tình của anh thì “vô cùng nồng cháy” “đầy trăn trở”, rất đặc trưng thơ tình Đặng Xuân Xuyến: Bạo liệt trần trụi, phồn thực nhưng không hề dâm tục!
Một chút ngông, một chút dối lòng, một chút hờn mát trong câu thơ: "Đã quen kiêu hãnh đêm lạnh vắng" làm người đọc bật lên câu hỏi có thật vậy không nhà thơ Đặng Xuân Xuyến? Đọc câu thơ này sao chỉ thấy nặng sự trách cứ, hờn dỗi, nhớ nhung mà không mảy may thấy sự "kiêu hãnh" đắc thắng nào của kẻ một hai kiên quyết sẽ "bỏ yêu"?!
Lại gặp từ "gian" trong "díu gian" tình của chàng trai trong thơ Đặng Xuân Xuyến ở bài thơ “Bỏ yêu” này. Có phải vì tình yêu gặp phải những trắc trở trái ngang nên nhà thơ họ Đặng mới quyết tâm "bỏ yêu" trong khi lòng vẫn còn nhiều nhung nhớ, tiếng yêu vẫn còn day dứt không chịu "buông lơi"?!
Mặc dù nhà thơ đã lên tiếng khẳng định thêm một lần nữa là anh sẽ “bỏ yêu” vì “sai lỡ” nhịp yêu của trái tim: “Nhịp yêu sai lỡ ta bỏ hết / Thôi đừng rủ nguyệt níu gió mây.” Nhưng nhà thơ lại rủ rê người tình cũ trở về chốn xưa cũ với những câu thơ mời gọi như một lời thách thức khó cưỡng:
“Thì cứ về đây hóng gió tây
Ngắm trăng sóng soãi vắt ngang đồi”
Ngắm trăng sóng soãi vắt ngang đồi”
Rồi ngay sau đó nhà thơ lại buông câu than vãn: “Hồn ta từ bữa đi hoang ấy / Đã chết từ lâu tiếng yêu rồi.” để chống chế cho lời gạ gẫm, rủ rê lúc trước: “Thì cứ về đây hóng gió tây / Ngắm trăng sóng soãi vắt ngang đồi”.
Người ta nói: Tình cũ không rủ cũng tới, vậy mà anh nhắn gửi người xưa cũ đầy ngụ ý thách thức, rủ rê như thế thì sao mà “bỏ yêu” được!
Hà Nội, ngày 9 tháng 2 năm 2022
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
0 Comment: