Chùm ảnh: Tháng 5 ở một làng quê miền Trung- NPV
Phố núi...
Tháng 5 ở một làng quê miền Trung:
Đầu tháng 5 vừa qua, NPV có dịp về với thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ -Quãng Ngãi. Vùng đất chiến tranh khốc liệt nổi tiếng ngày nào giờ thật sự trở nên an lành, tươi đẹp, khắp nơi xanh ngăn ngắt một màu xanh, dù vẫn đang trong mùa khô và cao điểm của cái nóng gay gắt. Mới 7 giờ sáng mà mặt trời đã lên cả cây sào, đi bộ dưới đường làng rợp bóng cây vẫn đổ mồ hôi đẫm cả lưng áo:
Để về thôn Thủy Triều có thể đi theo QL 1, rẽ dọc theo sông Trà Câu hoặc từ trung tâm thị trấn Đức Phổ đi tắt băng qua cánh đồng, qua chiếc cầu tre bắc qua sông Trà Câu. Cầu này do một gia đình ở ngay đó "dựng" nên, mỗi lượt qua cầu thu phí 1.000 đồng và chỉ thu một lần cho cả ngày ( nghĩa là bạn chỉ tốn 1.000 đồng để qua lại trong ngày bao nhiêu lần cũng được!)
Chiếc cầu tre nhìn xa xa
Sông Trà Câu bắt nguồn từ vùng đông nam huyện Ba Tơ, chảy theo hướng tây - tây bắc đến đông - đông nam, qua thôn Thủy Triều rồi đổ ra cửa biển Mỹ Á. Sông Trà Câu được coi là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đang mùa khô nên nước cạn và trông có vẻ nhỏ bé.
bờ kè sông và làn nước trong xanh soi bóng hàng cây
Trụ cầu được làm hoàn toàn bằng những thân tre già bắt chéo nhau hình tam giác đóng xuống lòng sông, cố định bên trên bằng các lổ mộng và chốt tre, có đôi sợi dây mây buộc giữ thêm.
Mặt cầu lát bằng các thân tre non hơn, rộng khoảng 1.5m, không đủ để cho hai chiếc xe đạp hoặc xe máy ngược chiều tránh nhau. Vì vậy muốn qua sông phải nhìn sang bờ bên kia để còn nhường cho người nào lên cầu trước.
Mặt cầu lại không được bằng phẳng cho lắm nên không phải chị em phụ nữ nào cũng đủ can đảm để đi xe máy qua cầu như người phụ nữ này:
Hình ảnh nên thơ: Áo dài trắng đến trường bằng xe đạp gợi ta nhớ về một thuở học trò xa xưa:
Cây tre thân thương của làng quê có một sức sống thật mãnh liệt, ngay cả thân tre già làm trụ cầu vẫn đâm chồi nẩy lên những chòm lá xanh:
Vài loại hoa dại tô điểm thêm cho màu sắc đồng quê dọc hai bờ sông:
Chiếc cầu tre mong manh chỉ có thể dùng trong mùa khô. Khi mùa lũ về, người ta lại tháo dỡ nó đi để khỏi bị lũ cuốn trôi. Lúc này muốn đến thôn Thủy Triều phải đi vòng khá xa qua QL 1, hoặc qua sông bằng phương tiện là chiếc đò ngang nhỏ bé này:
Hầu như mọi đường làng đều được che bóng mát bởi những cội tre, đủ rộng và được cấp phối để các loại xe tải nhẹ, xe con đi lại thuận lợi ngay cả trong mùa mưa bão:
Nhà ở quê bây giờ đều là nhà xây; thường nhỏ, hơi thấp (để chống mưa bão chăng?) và chỉ cách nhau bằng những khu vườn nhỏ. Đất ở đây không rộng nhưng khá tốt nhờ có phù sa do lũ lụt hàng năm bồi đắp, người dân tranh thủ trồng trọt quanh năm, mùa này đang là mùa ngô, đậu...
Cũng có vài ngôi nhà xây nổi bật bởi nét hiện đại và hoành tráng, thường chủ nhân là các gia đình có người làm ăn xa thành đạt
Còn đây là khuôn viên từ đường họ Nguyễn, bên ngoài là tường rào và cổng mới xây xong:
Nhà từ đường họ Nguyễn đã được sửa sang lại nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên nét cổ xưa từ những năm đầu thế kỷ trước:
Hình ảnh làng quê thanh bình, yên ả với tiếng chim hót líu lo trong sớm mai, đàn gà và chị bò cùng kiếm ăn trên đồng dưa vừa thu hoạch xong:
goc ảnh của bác nhuy dẹp , tiếc là tấm ảnh cô hoc sinh di trên cầu tre lảng mạn vậy mà bác nhụy lại chụp lúc quay lung lai ống kính
Trả lờiXóaHình ảnh đẹp quá. :)
Trả lờiXóaRe Nặc danh: Đang ở bên này cầu thì cô bé đi qua bất ngờ quá nên trở tay không kịp, hi
Trả lờiXóa