Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Còn dạ khúc nào cho tình nhân? ST

Còn dạ khúc nào cho tình nhân?

               


      (Những năm gần đây, cứ đến những ngày gọi là Lễ tình nhân, là trong tôi lại thấy nhớ và muốn gặp lại... Phương. Phương - không phải là tên của một em nào - mà đấy chính là nghệ danh trình diễn của chàng nhạc sĩ tài hoa một thuở : Lê Văn Lộc.)





Dọ khúc cho tình nhân.




     Tình nhân, hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, ấy là những người đang yêu nhau...




     Và tôi thích gọi Phương là nhạc-sĩ-của-tình-nhân. Vì trong tất cả các sáng tác của ông mà tôi biết, tôi chỉ nhìn thấy trong đó tình yêu đôi lứa. Âm nhạc của ông không phải viết về cái thuở tình học trò bồng bột, ngây thơ. Cũng không phải ca ngợi cho tình yêu vợ chồng nồng nàn, chung thuỷ. Càng không là những lời thở than cho cuộc tình đã chia lìa, tan vỡ. Đơn giản là, các bài hát ấy chỉ dành cho... tình nhân.




     Nhưng có phải những người đang yêu nhau ấy, lúc nào họ cũng thực sự cảm thấy lòng mình... bình an?




     Yêu nhau trong lo âu, biết bao lần tha thiết nhớ mong...




     Khi lần đầu nghe qua câu hát ấy trong nhạc phẩm Dạ khúc cho tình nhân, tôi đã lờ mờ hiểu rõ thêm về hai chữ :  tình-nhân...








Dạ khúc cho tình nhân - Lê Uyên Phương




        Thật ra, tên của ông là Lê Minh Lập, sinh ra ở Đà Lạt, chỉ vì mất giấy tờ phải chỉnh sửa nhiều lần mà cuối cùng bị đổi ra thành... Lê Văn Lộc. Năm 19 tuổi, ông viết ca khúc đầu tay Buồn đến bao giờ để nhớ về mối tình với người con gái tên Uyên. Sau ấy, khi sáng tác ông thường ký là Lê Uyên Phương (Lê là họ, Uyên là người ông yêu, còn Phương là tên người Mẹ).




     Định mệnh đã đưa ông gặp gỡ tiểu thư Lâm Phi Anh. Và ông đã chia đôi cho nàng cái nghệ danh luôn từ đó: Lâm Phi Anh – Lê Uyên, còn ông- Phương. Ông là một giáo viên dạy Nhạc và Triết. Còn Lê Uyên là một cô gái trẻ đam mê ca hát, được gia đình là một thương gia giàu có từ Sài Gòn đưa lên Đà Lạt để theo học một trường Tây nổi tiếng. Họ sống gần nhau, quen nhau và dĩ nhiên, đã yêu nhau.




     Nhưng chuyện tình của họ không diễn ra êm đềm, yên ả...



     Thuở ấy, cho đến tận năm 27 tuổi, ông vẫn không dám yêu và lập gia đình với ai. Bởi ông đã mắc phải một căn bệnh kì lạ: ngón tay và nhiều nơi trên thân thể ông xuất hiện những khối u. Bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư xương và chẳng còn sống bao lâu nữa. Còn nàng thì bị gia đình ngăn cấm tuyệt đối mối quan hệ không môn đăng hộ đối và dường như, không có... ngày mai ấy. Nhưng họ đã thật sự cảm thấy mình không thể sống thiếu nhau và quyết định cùng nhau... trốn chạy.



     Đó là những ngày lang thang mòn mỏi trên những con phố đồi dốc ở Đà Lạt... Là những tháng chơ vơ hẹn hò ở sân ga Sà Gòn, mỗi ngày chỉ có mẩu bánh mì queo quắt...



     Và các ca khúc dành cho nhau, dành cho tình-nhân lần lượt ra đời : Vũng lầy cho chúng ta, Tình khúc cho em, Còn nắng trên đồi, Dạ khúc cho tình nhân, Lời gọi chân mây, Khi xa Sài Gòn, Đêm chợ phiên mùa đông, Cho lần cuối, Hãy ngồi xuống đây, Uống nước bên bờ suối...






Vũng lầy của chúng ta - Lê Uyên Phương




     Chàng với cây guitar thùng cùng giọng bè trầm ấm, tha thiết. Nàng với chất giọng khàn đục nhưng cực kì mạnh mẽ. Khát khao. Đắm đuối. Cả hai đã tạo nên hình ảnh một đôi song ca Lê Uyên-Phương hừng hực niềm tin yêu, say mê trong cách thể hiện. Và với những tình khúc du ca tình yêu ấy, họ đã trở thành một hiện tượng âm nhạc độc đáo cho giới trẻ yêu nhau vào những năm 60-70 thế kỉ trước.

     Ca từ trong các sáng tác của Lê Uyên Phương không đi sâu vào những chiêm nghiệm hay triết lý về tình yêu, thân phận của con người. Càng không "dính dáng" gì đến chính trị, lo toan hay mong ước cho vận mệnh của đất nước trong thời chiến. Đơn giản, nó chỉ nói về tình yêu. Cái tình yêu dành cho tình-nhân ấy : lãng mạn, cuồng đam mê nhưng vẫn đầy lo âu, khắc khoải. Và thậm chí, trong nhiều ca khúc, nó còn có vẻ... trần tục nữa.

     Ai đó đã nói, tình khúc Lê Uyên Phương được sáng tác là chỉ để dành cho... Lê Uyên và Phương trình diễn.


     Điều ấy có lẽ đúng.

     Bởi làm sao mà các ca sĩ – nhất là các ca sĩ thuộc thế hệ sau này thể hiện được tận cùng cảm xúc, bắt được cái hồn của những tháng ngày rong ca với một tình yêu đầy bất trắc, chẳng biết đến ngày mai ?

     "Ngày em thắp sao trời Chờ trăng gió lên khơi Mà mưa bão tơi bời Một ngày mưa bão không thôi. Trên đôi vai thanh xuân Ướp hôn nồng bên gối đắm say Ánh sao trời theo gió rụng rơi đầy Cùng rót bao nhiêu ngày hoang Cùng đếm bao nhiêu mộng tàn Ru người yêu dấu trong vùng trời đêm...


         (Dạ khúc cho tình nhân)



     “Cho nhau hết những mê say, cho nhau hết cả chua cay Cho nhau chất hết thơ ngây, trên cánh môi say Trên những đôi tay, trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn...”

         (Vũng lầy của chúng ta)



     “Lệ ngập ngừng bờ mi, giọt nước mắt lăn nỗi buồn Giọt nước mắt xa cách vời vợi trông Giờ này còn nhìn nhau, nhìn đắm đuối như suối bền Nhìn suốt kiếp như chết mòn, nhìn hấp hối thương đau Ngày mai ta không còn thấy nhau...”

         (Cho lần cuối)



     “Hãy ngồi xuống đây Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng Duới nắng ban mai Phô thân trần truồng kiếp sống hoa sơ...

         (Hãy ngồi xuống đây)



     “Như hoa đem tin ngày buồn Như chim đau quên mùa xuân Còn trong hôn mê buồn tênh Lê mãi những bước ê chề Xin cho thương em thật lòng Xin cho thương em thật lòng Còn có khi lòng thôi giá băng...

          (Tình khúc cho em)          



     Chỉ có Lê Uyên-Phương mới có thể thể hiện trọn vẹn và chân thực được cái không khí u sầu, ê chề nhưng rất nồng nàn và đầy đam mê trong mối quan-hệ-tình-nhân ấy.






                                                     Cho lần cuối - Lê Uyên Phương

     Họ kết hôn vào năm 1968 và chia tay nhau sau 15 năm chung sống. Năm 1999, Phương mất sau một thời gian dài bạo bệnh, thọ 59 tuổi.

     Tài hoa bạc mệnh...

     Tôi đã xem lại nhiều lần đoạn video Liên khúc tưởng nhớ Lê Uyên Phương. Màn hình lia nhanh qua những khuôn mặt. Một vài khán giả nữ rưng rức, giơ khăn lau vội. Một nghệ sĩ xinh xắn bên cây đại hồ cầm, mắt đỏ hoe, tay kéo như hờ hững. Qua giữa đoạn, nước mắt Lê Uyên bắt đầu lã chã rơi, lăn dài trên má khi nhận ra mình chỉ còn lại một mình, lẻ loi trên sân khấu. Phía sau màn hình lớn là Phương. Vẫn mái tóc búp bê ôm lấy khuôn mặt hiền lành, vẫn bộ ria ngang bướng bất hủ. Và đôi mắt, đôi mắt của Phương đang cúi dần xuống...

             "Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng?  


               Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai?

               Sài Gòn âm thầm đèn đỏ đèn xanh... 

               Sài gòn mưa bay... Thôi thế, cũng đành..."

               Thôi thế, cũng đành...






Liên khúc tưởng nhớ Lê Uyên Phương



     Lê Uyên vẫn đi hát đơn và có lần về Việt Nam biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Cô trình bày lại ca khúc nổi tiếng một thời của họ : Vũng lầy của chúng ta. Giọng cô đã phai dần đi theo năm tháng nhưng vẫn còn giữ được vẻ nồng nàn, vẫn còn đấy chút đam mê của người phụ nữ đã dám sống rất thực với con tim và chọn lựa của riêng mình.



     Nhưng với tôi, tình ca Lê Uyên Phương đã rời xa Lê Uyên và đi theo Phương mãi mãi. Mãi mãi...



     Không có nhiều những ca sĩ song ca mà khi lên sân khấu biểu diễn, họ là tình nhân. Càng không có nhiều những cặp vợ chồng mà trong cuộc sống thường nhật đôi khi nhàm chán, họ được là tình nhân !



     Nên đêm nay, khi nghe lại các tình khúc của Lê Uyên Phương, tôi cứ tiếc nuối...Có còn dạ khúc nào cho tình-nhân?


(blog Yume-ST)

COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian