Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Những bí kíp võ công trong tiểu thuyết Kim Dung (ST)

Những bí kíp võ công trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung


(Tác giả : Trúc Giang MN)




          1* Mở bài




Những bí kíp võ công trong tiểu thuyết Kim Dung như: Cửu Âm Chân Kinh, Cửu Dương Thần Công, Tịch Tà Kiếm Pháp, Quỳ Hoa Bửu Điển, Càn Khôn Đại Nã Di, Đả Cẩu Bổng Pháp…đã góp phần tạo ra cơn sốt về “hiện tượng Kim Dung” một thời ở Việt Nam.



Võ học, cũng như tôn giáo, đã vượt ra khỏi phạm vi của quốc gia sinh ra nó, mà trở thành tài sản chung của nhân loại. Kim Dung đã đi sâu vào các tầng lớp trong xã hội VN, từ người bình dân đến trí thức.



Mỗi một bí kíp, chưởng pháp, kiếm pháp đều có một lịch sử li kỳ liên quan đến những nhân vật, những mối tình éo le, là đầu mối gây ra sóng gió giang hồ, làm hấp dẫn, say sưa độc giả suốt 15 bộ chuyện của Kim Dung.




2* Vài nét tổng quát về Kim Dung





bí kíp võ công trong tiểu thuyết Kim Dung. Pleiku phố núi và bạn bè
Nhà văn Kim Dung



Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh ngày 6-2-1924 tại tỉnh Triết Giang, Trung Hoa.



Năm 1950, trong Cải Cách Ruợng Đất, gia đình ông bị đưa ra đấu tố vì bị khép vào thành phần địa chủ. Trong lúc đó, Kim Dung 26 tuổi đang sống ở Hồng Kông.



Năm 1978, Kim Dung quy y Phật Giáo.



Từ 1955 đến 1972, Kim Dung đã viết 15 bộ tiểu thuyết, được in thành 300 triệu cuốn (không kể in lậu) đã đến tay người đọc ở Trung Hoa lục địa, Hồng Kông, Đài Loan, và các quốc gia châu Á, trong đó có VN. Tác phẩm Kim Dung được dịch ra nhiều thứ tiếng: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Anh, Pháp, Indonesia. Nhiều tác phẩm được dựng thành phim, truyền hình và trò chơi điện tử.



Vinh danh.



Kim Dung được trao tặng huân chương OBE (Officer of the Most Excellent Order of the British Empire) của Vương Quốc Anh (1981), Bắc Đẩu Bội Tinh và Commandeur de l’Ordre des Arts et des Lettres của chính phủ Pháp (2004). Ông là GS Danh Dự của nhiều trường Đại Học: Bắc Kinh, Nam Kinh, Triết Giang, Hồng Kông, British Columbia, và cũng là Tiến sĩ Danh Dự của ĐH Cambridge.



Ở Việt Nam, một số nhà văn, nhà báo lấy bút danh theo tên của những nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung như: Hư Trúc, Kiều Phong, và hiện nay, nhà báo của tờ Sài Gòn Nhỏ ở Cali mang tên Vương Trùng Dương.(VTrD)



Nhiều nhà văn đã nghiên cứu về triết lý, võ thuật, phân tích võ công, nội lực, tâm lý nhân vật, đã tạo ra một “hiện tượng Kim Dung ở VN.



Sau tháng 4 năm 1975, tiểu thuyết Kim Dung bị ghép vào loại văn hoá đồi trụy và phản động, bị cấm và tịch thu. Năm 1990, nhà nước cho in lại một số tác phẩm và đến năm 2001, toàn bộ tiểu thuyết Kim Dung được xuất bản trở lại




3* Cửu Âm Chân Kinh



Cửu Âm Chân Kinh là tên của một bộ sách võ công, lần đầu tiên xuất hiện trong tập chuyện Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, qua lời của Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông, kể lại cho Quách Tĩnh, khi ông bị nhốt ở đảo Hoa Đào, trên đường đi đòi lại quyển sách do vợ chồng Đông Tà Hoàng Dược Sư lập mưu chiếm lấy.



3.1. Người sáng tạo ra Cửu Âm Chân Kinh



Người viết ra Cửu Âm Chân Kinh là Hoàng Thường. Hoàng Thường, là một viên quan dưới triều vua Huy Tông, nhà Tống. Theo lịnh hoàng đế, đi thu thập tất cả các sách của Đạo Gia (Đạo Lão), được 5,481 quyển, căn cứ vào đó, viết ra bộ sách Vạn Thọ Đạo Tạng.



Nhờ trí thông minh và lòng kiên trì, Hoàng Thường đã học được trọn bộ bí kiếp võ học của Đạo gia, và trở thành một cao thủ. Sau đó, vâng lịnh hoàng đế, Hoàng Thường dẫn quân đi tảo trừ, tiêu diệt Minh Giáo. Thất bại, quân lính chết gần hết. Nhờ võ công cao cường, Hoàng Thường sống sót, nhưng toàn bộ gia đình bị giết sạch. Ông chạy lên núi ẩn náo, quyết tâm rèn luyện võ nghệ để trả thù.



Thời gian trôi qua 40 năm, nhờ giác ngộ đạo lý của võ học nên võ công đạt đến mức thượng đẳng. Hoàng Thường trở lại với ý định trả thù, nhưng những người trong Minh Giáo đã qua đời, thậm chí người con gái của giáo chủ cũng già nua, tóc bạc phơ, không còn đủ sức để dùng kiếm.



Không còn ý định trả thù, nhưng vì tiếc những kiến thức đã thu thập được, nên viết lại thành bộ Cửu Âm Chân Kinh, mục đích truyền lại cho đời sau.



3.2. Cửu Âm Chân Kinh



Bộ Cửu Âm Chân Kinh gồm có hai quyển.



Quyển thượng. Bao gồm các bí kíp rèn luyện nội công căn bản của đạo Lão. Khi có đầy đủ nội lực, như là một điều kiện cần thiết để luyện những chiêu thức của Cửu Âm Chân Kinh trong quyển hạ.



Quyển hạ. Bao gồm những chiêu thức khắc địch và bảo vệ thân thể.



Sau khi Hoàng Thường qua đời, Cửu Âm Chân Kinh lưu lạc trong dân gian, khiến cho võ lâm tranh đoạt, gây chém giết nhau trong những trận đánh đẩm máu, làm kinh động giang hồ. Những thủ đoạn nham hiểm, tàn độc làm cho giang hồ bị cuốn trong phong ba bão táp, bởi những cao thủ trong các bang phái. Cuối cùng, đưa đến việc tranh tài giữa 5 cao thủ để giành quyền bảo quản pho kinh sách nầy. Đó là cuộc Hoa Sơn Luận Kiếm giữa Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.



Võ công Vương Trùng Dương cao nhất nên giành được quyền cất giữ Cửu Âm Chân Kinh.



Giữ báu vật của võ lâm như thế chẳng khác nào chuốc họa vào thân, vì đó là điểm ngắm của hắc bạch giang hồ, luôn tìm mọi cách chiếm đoạt để xưng hùng, xưng bá, khống chế võ lâm.



Vương Trùng Dương là người yêu nước, vốn là lãnh tụ chống ngoại xâm là giặc Kim. Sau khi thất bại, lui về núi Chung Nam, lập ra Toàn Chân Giáo.



Vương Trùng Dương là người chân chính, không có tham vọng rèn luyện võ công trong bí kiếp nầy, ông định đốt sách để tránh những tranh giành tàn sát nhau, nhưng lại tiếc công trình và tâm ý của người xưa, nên trước khi chết, giao cho sư đệ là Châu Bá Thông đem chôn dấu 2 quyển sách ở hai nơi để tránh lọt vào tay những kẻ gian ác.



3.3. Những người học được Cửu Âm Chân Kinh



Trên đường đi giấu sách, Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông bị vợ Hoàng Dược Sư đánh lừa, dùng trí nhớ siêu phàm, đọc qua một lần thì nhớ hết quyển hạ. Bà viết lại nội dung sách cho chồng, nhưng Hoàng Dược Sư chưa kịp rèn luyện, thì bị hai đệ tử là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong đánh cắp, rồi trốn khỏi đảo, luyện ra một chiêu âm độc vô cùng, đó là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo.



Đông Tà nổi giận, đánh gãy chân các đệ tử còn lại, rồi đuổi họ ra khỏi Đào Hoa đảo.



Vợ Hoàng Dược Sư tên Phùng Hằng (Hành) lúc đó đang mang thai, vì cố vận dụng trí nhớ để viết lại quyển kinh, nên bị kiệt sức và mất, sau khi sanh đứa con gái là Hoàng Dung.



Do ân oán giang hồ giữa Giang Nam Thất Quái, đứng đầu là Kha Trấn Ác, với vợ chồng Hắc Phong Song Sát là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong, nên trong một trận thanh toán nhau, Trần Huyền Phong bị giết, và Quách Tĩnh có cơ may đọc được quyển hạ của chân kinh viết trên da bụng của Trần Huyền Phong.



Một trong những chiêu thức của Cửu Âm Chân Kinh là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Khi luyện chiêu nầy, thì phải dùng tay đập vào vách đá mà luyện, nhưng do Mai Siêu Phong chỉ ăn cắp được quyển hạ, nên thiếu căn bản về nội công trong quyển thượng, và do hiểu lầm nên luyện sai phương pháp.



Trong sách ghi: “Năm ngón tay phát kình, không gì cứng mà không phá được, “chụp vào đầu óc” như xuyên qua đậu hủ. Trong sách nói, “chụp vào đầu óc” là đầu óc của đối phương, của địch thủ, nhưng bị hiểu lầm là dùng đầu người để luyện tập, gây ra bao nhiêu người chết oan uổng, xương sọ chất thành đống.



Ngoài Mai Siêu Phong, Dương Khang là đệ tử, cũng được truyền dạy môn nầy. Sau đó, Chu Chỉ Nhược, chưởng môn phái Nga My, cũng học Cửu Âm Bạch Cốt Trảo khi dùng Đồ Long Đao chém gãy thanh Ỷ Thiên Kiếm, lấy ra Cửa Âm Chân Kinh dấu trong kiếm và Vũ Mục Di Thư dấu trong đao. Nguyên là, trước kia, khi thành Tương Dương bị đe dọa, sắp mất, vì không muốn cho bí kíp lọt vào tay quân Mông Cổ, nên vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung cất dấu 2 bí kiếp vào kiếm và đao. Vũ Mục Di Thư là binh pháp của Nhạc Phi được truyền lại.



Cửu Âm Chân Kinh là đầu mối gây ra tranh chấp, mà người chủ động là Tây Độc Âu Dương Phong.



Do tham vọng, muốn cướp bộ kinh mà Tây Độc hai lần suýt chết. Lần thứ nhất, trước khi sắp chết, Vương Trùng Dương giả chết, Âu Dương Phong đến mở nắp hòm để cướp sách, thì bị trúng nhất dương chỉ suýt toi mạng, phải dưỡng thương một thời gian khá lâu. Lần thứ hai, bị Hoàng Dung đọc ngược khẩu quyết, nên khi luyện bị tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch âm dương lộn ngược, nên đầu xuống đất, chân lên trời mỗi khi triển khai chiêu thức. Thế nhưng chiêu thức uy lực vô cùng lợi hại, trở thành độc chiêu của Tây Độc, là Hàm Mô Công hay Cáp mô công (Cáp mô là con cóc). Thảm hại hơn nữa là tâm trí hỗn loạn, không còn biết mình là ai nữa.



3.4. Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất để giành quyền cất giữ Cửu Âm Chân KinhHoa Sơn Luận Kiếm là sự kiện đặc biệt thời bấy giờ, lúc giang hồ đang quyết liệt tranh giành bí kíp võ học Cửu Âm Chân Kinh, vô số cao thủ trong các bang, phái bị lôi cuốn vào vòng tranh đoạt, gây xáo trộn võ lâm, tổn thất nhiều nhân mạng. Những cao thủ bậc nhất quyết định tụ hợp trên đỉnh Hoa Sơn, phân định ai là người võ công cao nhất có đủ tư cách cất giữ bộ kinh sách. Họ cho rằng cuốn sách nằm trong tay người có võ công cao nhất, thì không ai dám đến chiếm đoạt.



Cuối cùng 5 cao thủ, gọi là thiên hạ ngũ tuyệt, đại diện cho 4 phương Nam, Bắc, Đông, Tây là:



1. Đông Tà Hoàng Dược Sư, còn gọi là Hoàng Lão Tà, đảo chủ Đào Hoa đảo, tánh tình quái dị, thường hành động theo ý mình, coi thường thiên hạ. Tuyệt chiêu của Đông Tà là Lạc Anh Kiếm Pháp, Đạn Chỉ Thần Công, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp.





2.Tây Độc Âu Dương Phong, còn gọi là Lão Độc Vật, chủ nhân Bạch Đà Sơn ở Tây Vực (Tân Cương), độc ác, xấu xa, tham lam, xảo quyệt, nổi tiếng với Hàm Mô Công, Linh Xà Quyền và khả năng pha chế các loại kịch độc không có thuốc giải.



3. Nam Đế Đoàn Trí Hưng, còn gọi là Đoàn Hoàng Gia, hoàng đế nước Đại Lý ở phương Nam. Gia tộc có nhiều đời luyện võ. Nổi tiếng với tuyệt kỹ gia truyền là Nhất Dương Chỉ. Về sau, khi đi tu, mang tên là Nhất Đăng Đại Sư.



4.Bắc Cái Hồng Thất Công, còn gọi là Lão Ăn Mày, bang chủ đời thứ 18 Cái Bang, tham ăn và uống rượu, hào hiệp trượng nghĩa, võ công rất cao. Hai môn nổi tiếng là Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp.



5.Trung Thần Thông Vương Trùng Dương, chưởng môn, tổ sư Toàn Chân Giáo, vốn là một lãnh tụ chống Kim, sau khi thất bại, lui về núi Chung Nam lập ra môn phái. Ông có 7 đệ tử giỏi, nổi tiếng, là Toàn Chân Thất Tử với Thiên Cang Bắc Đẩu Trận. Môn võ đắc ý nhất là Tiên Thiên Công có thể giúp mọi người đả thông kỳ kinh bát mạch.



Trong trận đấu, Âu Dương Phong muốn chiếm cho được chân kinh nên xử dụng độc chiêu, và bị thảm bại dưới tay của Đoàn Hoàng Gia, thương tích nặng nề.



Đông Tà và Bắc Cái thi đấu trong tình bạn bè, không quyết tâm hạ đối thủ, cả hai ngừng đấu, xem như huề, và rủ nhau đi nhậu.



Vương Trùng Dương đấu với Đoàn Trí Hưng, chỉ để trên cơ nửa chiêu, nhưng Đoàn Hoàng Gia nhận ra sự sự tế nhị, muốn giữ uy tín cho mình, nên chịu thua, tỏ lòng muốn kết bạn và mời Vương Trùng Dương xuống nước Đại Lý để cả hai cùng nghiên cứu và luyện Nhất Dương Chỉ.



Vương Trùng Dương là người võ công cao nhất nên được cất giữ bộ Cửu Âm Chân Kinh.



Đáng tiếc là luận kiếm lần nầy vắng mặt hai cao thủ là bang chủ Thiết Chưởng Bang Cừu Thiên Nhận và nữ hiệp Lâm Triều Anh của phái Cổ Mộ.



3.5. Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ hai



Hai mươi lăm năm sau, luận kiếm lần thứ hai khá vắng vẻ. Đoàn Trí Hưng đi tu, Vương Trùng Dương đã chết. Cừu Thiên Nhận và Châu Bá Thông có đến nhưng không tham dự. Chỉ có Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Quách Tĩnh. Cuộc luận kiếm không bầu ra thiên hạ ngũ tuyệt.





3.6. Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ ba



Lần luận kiếm nầy vắng mặt Hồng Thất Công, Vương Trùng Dương, Âu Dương Phong, vì đã qua đời.



Lần nầy khá đông đủ cao thủ tham gia: Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng Đại Sư, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Châu Bá Thông. Đặc điểm là không trực tiếp giao đấu, chỉ để tự phân chia thứ bậc thông qua sự hiểu biết về võ thuật của nhau.



Cuối cùng, Thiên Hạ Ngũ Tuyệt được bầu ra là:



1. Đông Tà Hoàng Dược Sư.



2. Tây Cuồng Dương Quá. Cao thủ trẻ tuổi, có biệt danh là Thần Điêu Đại Hiệp, võ công cao, tu tập từ nhiều môn phái như: Độc Cô Cửu Kiếm, Hàm Mô Công, Ngọc Nữ Tâm Kinh, phép gậy đánh chó, và nổi tiếng là Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng.



3. Bắc Hiệp Quách Tĩnh, đại hiệp trấn giữ thành Tương Dương, võ công cực kỳ thâm hậu, nổi tiếng là Hàng Long Thập Bát Chưởng.(18 chưởng buộc rồng phải đầu hàng)



4. Nam Tăng Nhất Đăng Đại Sư, chính là Đoàn Trí Hưng năm xưa, giờ đã đi tu.



5. Trung Ngoan Đồng Châu Bá Thông, sư đệ của Vương Trùng Dương, tính nết trẻ con, hay nghịch ngợm chơi đùa, say mê học các môn võ thuật. Võ công nổi tiếng là Không Minh Quyền và Song Thủ Hỗ Bác, tức là phân tâm, hai tay có thể cùng một lúc ra hai chiêu khác nhau.






4* Cửu Dương Chân Kinh



Cửu Dương Chân Kinh là bộ sách hướng dẫn phép luyện nội công, tức là phát huy nội lực của con người.



Giác Viễn Đại Sư, một nhà sư gác Tàng Kinh Các chùa Thiếu Lâm cho biết, bộ kinh do Đạt Ma tổ sư viết ra trong bộ Kinh Lăng Già, sau 9 năm ngồi thiền quay mặt vào vách đá (Diện bích tham thiền) cùng với Dịch Cân Kinh, mục đích cho các sư tăng Thiếu Lâm rèn luyện để tăng cường sức khoẻ.



Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử đã ẩn nấp trong Tàng Kinh Các một thời gian rất lâu để đánh cắp bộ kinh nầy. Giác Viễn Đại Sư phải đuổi theo đến núi Côn Luân đòi lại, nhưng hai người đã khéo léo dấu bộ kinh vào dưới lớp da bụng của con vượn.



Vì để sách bị mất nên Giác Viễn bị phạt xích chân, đi gánh nước đổ vào giếng hàng ngày. Về phần Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử, hai người trốn lên núi Côn Luân thì lại đánh nhau để giành độc quyền bộ kinh, cho đến cả hai kiệt sức rồi chết. Trước khi chết, họ nhờ Côn Luân Tam Thánh Hà Thúc Đạo đến Thiếu Lâm Tự, chuyển lời đến Giác Viễn là “sách để trong hầu” (hầu là con khỉ), nhưng do kiệt sức, phát âm không rõ, nên Hà Thúc Đạo nghe nhầm, thành ra “sách để trong dầu”. Vì thế, không ai biết sách ở đâu, xem như lạc mất.




4.1. Những người học được Cửu Dương Chân Kinh



Có nhiều người học được một phần chân kinh, nhưng chỉ có Giác Viễn và sau nầy có Trương Vô Kỵ học được toàn phần bộ Cửu Dương Chân Kinh.



Giác Viễn mê đọc sách, khi gác Tàng Kinh Các, đã đọc qua bộ kinh nầy. Do đọc nhiều lần, vô tình Giác Viễn mang trong mình một nội lực hùng hậu mà không hay biết. Trong khi đó, đệ tử là Trương Quân Bảo cũng vô tình luyện được một phần của kinh sách, khi phát chưởng uy lực vô cùng, gọi là Cửu Dương Thần Công. Trương Quân Bảo là Trương Tam Phong, sau đó là tổ sư phái Võ Đang.



Một hôm, Hà Thúc Đạo đến Thiếu Lâm Tự, mượn cớ là thông báo “kinh để trong dầu” mà gây chiến, và đánh hạ cả phương trượng chùa Thiếu Lâm. Cùng lúc đó, Quách Tường, con gái của Quách Tĩnh-Hoàng Dung, trên đường đi tìm Dương Quá, cũng có mặt ở Thiếu Lâm Tự, đã gặp Trương Quân Bảo và Giác Viễn Đại Sư.



Cao thủ Thiếu Lâm bị bại dưới tay của Tam Thánh Hà Thúc Đạo. Để bảo vệ danh tiếng “Bắc Đẩu võ lâm”, Giác Viễn xông chiến với Hà Thúc Đạo, do bị xích chân, nên yếu thế. Thấy vậy, Trương Quân Bảo nhảy vào ra tay cứu sư phụ, phát chưởng bất ngờ đầy uy lực của Cửu Dương Thần Công, và hạ được đối thủ.



Sau đó, phương trượng và các cao tăng, chẳng những không cám ơn cứu mạng và bảo vệ danh tiếng Thiếu Lâm, mà trái lại buộc Trương Quân Bảo về tội học lén võ công, và trừng phạt quá nặng, không thể tránh được cái chết.



Vì thấy được cái hồ đồ và vô lý của các nhà sư, Quách Tường nhảy vào can thiệp, nên cùng với Trương Quân Bảo bị lâm nguy bởi thế trận của Thập Bát La Hán. Giác Viễn xông vào cứu cả hai và bị thương nặng. Ở một hang động sau chùa, trước khi chết, Giác Viễn truyền khẩu quyết Cửu Dương Chân Kinh cho Quách Tường và Trương Quân Bảo, cả hai chỉ học được một phần của chân kinh.



4.2. Trương Vô Kỵ học trọn bộ Cửu Dương Chân Kinh




Hơn 100 năm sau, khi bị kẻ thù truy đuổi, Vô Kỵ té xuống thung lủng và trốn vào một hang động, nơi mà con vượn và Tiêu Tương Tử và Doãn Khắc Tây trước kia đã từng ở. Do học được cách chữa bịnh của thần y Trần Thanh Ngưu, Vô Kỵ chữa lành vết thương ở bụng của con vượn già, và cơ may là nhận được bộ kinh sách. Nhờ nội công học được trong bí kíp, Vô Kỵ đã đẩy ra hết hàn độc của Huyền Minh Thần Chưởng, ngày đêm đe dọa mạng sống của mình. Từ đó, nội công của Vô Kỵ vô cùng thâm hậu, nhờ đó, mà Vô Kỵ học được Càn Khôn Đại Nã Di một cách dễ dàng.



Cửu Dương Thần Công có thể hoá giải những sức mạnh tấn công, chuyển sức mạnh của đối phương sang người khác, đồng thời phản kích lại bằng chính sức mạnh của đối thủ.





5* Càn Khôn Đại Nã Di



Càn Khôn Đại Nã Di là bí kíp dùng để di chuyển nội lực trong cơ thể, đồng thời làm giảm sát thương, do đối thủ tấn công. Có tất cả 7 mức độ.



Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 33 là Dương Đỉnh Thiên, tư chất thông minh, luyện môn nầy đến tầng thứ tư thì bị tẩu hỏa nhập ma mà chết, vì vô cùng uất hận khi thấy phu nhân ngoại tình với sư huynh của bà là Thành Khôn.



Tả sứ Minh Giáo Dương Tiêu cũng chỉ luyện được tới tầng thứ hai của Càn Khôn Đại Nã Di nầy.



Giáo chủ Minh Giáo đời thứ 34 là Trương Vô Kỵ, trong một lần đuổi theo Thành Khôn, do Tiểu Siêu hướng dẫn xuống mật thất, tìm thấy bộ kinh, và nhờ đó đã luyện được 6 tầng chỉ trong một đêm mà thôi.



Càn Khôn Đại Nã Di thất lạc, Minh Giáo chia năm xẻ bảy vì không ai nể phục ai, rồi đưa ra điều kiện, là người nào tìm lại được bí kíp nầy, thì được công nhận là Giáo chủ, và Minh Giáo sẽ đoàn kết lại.



Nhờ Càn Khôn Đại Nã Di mà Vô Kỵ đã cứu Minh Giáo khỏi nạn diệt vong khi lục đại phái vây đánh đỉnh Quang Minh. Sau khi đoạt được Thánh Hỏa Lịnh của Minh Giáo Ba Tư, Vô Kỵ đã học được tầng thứ 7 ghi trong đó và Vô Kỵ đã đưa Càn Khôn Đại Nã Di trở nên danh trấn giang hồ.





6* Quỳ Hoa Bửu Điển



Quỳ Hoa Bửu Điển là một bí kíp võ công thượng thặng, có chung một nguồn gốc với Tịch Tà Kiếm Pháp, do vợ chồng một tiền nhân đã viết ra. Quỳ là tên người chồng, Hoa là tên vợ. Cũng giống như Tịch Tà Kiếm Pháp, người muốn luyện thì trước hết phải “dẫn đao tự cung”, tức là tự cắt bỏ cơ quan sinh dục, như hoạn quan. Người duy nhất luyện thành công Quỳ Hoa Bửu Điển là Đông Phương Bất Bại.



Theo lời kể của trụ trì chùa Thiếu Lâm là Phương Chấn Đại Sư, thì vợ chồng nhà nầy là tiền nhân của phái Hoa Sơn. Vì sáng tác bí kíp mà sinh ra xích mích nhau, cuối cùng tách ra, mỗi người đi ở ẩn một nơi. Pho bí lục chia làm hai bộ, bộ của người chồng gọi là Càn kinh, bộ người vợ là Khôn kinh.



Sau một thời gian dài, bộ kinh sách lạc vào Thiếu Lâm Tự Phước Kiến. Cũng trong thời gian đó, hai tiền nhân của phái Hoa Sơn là Nguyên Mẫn Túc, ông tổ phe khí tông, và Chu Tử Phong, ông tổ phe kiếm tông, hai người lẻn vào Nam Thiếu Lâm Phước Kiến, đọc lén bộ kinh sách rồi về Hoa Sơn luyện tập.



Khi biết chuyện, trụ trì chùa Thiếu Lâm là Hồng Diệp Thiền Sư sai môn đồ là Độ Nguyên Thiền Sư đến Hoa Sơn, khuyên hai người không nên luyện tập Quỳ Hoa Bửu Điển. Hai người ở Hoa Sơn tưởng lầm rằng Độ Nguyên đã thuộc lòng bộ kinh, nên đã đọc ra từng đoạn để nhờ Độ Nguyên kiểm chứng đúng sai. Thật ra, Độ Nguyên không biết gì hết, cho nên khi nghe, thì lấy làm thích thú và bị cuốn hút vào, nên vận dụng trí nhớ thu thập. Đêm về, nhà sư chép lại bản văn trên áo cà sa. Sau đó, hoàn tục tên Lâm Viễn Đồ. Ra sức nghiên cứu và áp dụng vào sở trường kiếm thuật tạo ra Tịch Tà Kiếm Pháp, danh trấn giang hồ.



Nguyên Mẫn Túc và Chu Tử Phong cùng nhau tu luyện Quỳ Hoa Bửu Điển nhưng mâu thuẩn nhau trong việc lý giải nội dung, tranh cãi gây chia rẻ thành hai trường phái:



- Phái Khí Tông. Coi trọng việc rèn luyện nội công trong việc triển khai chiêu thức. Hậu duệ là Nhạc Bất Quần.



- Phái Kiếm Tông. Đặt nặng việc rèn luyện kỹ thuật xử dụng kiếm. Hậu duệ là Phong Bất Bình, Thành Bất Ưu.



Tranh chấp gây căng thẳng đưa đến khua đao động kiếm. Hai phái cùng một nguồn gốc Hoa Sơn, ác chiến trong một trận thư hùng đẩm máu, chết gần hết trong hang động. Chỉ có một người tâm ý lương thiện, không muốn đồng môn sát hại nhau, đứng ngoài cuộc chiến là Phong Thanh Dương thoát nạn, khi hang động bị vở sập, chôn xác người trong đó.



Trước tình trạng Hoa Sơn gần như tan rả, Nhật Nguyệt Thần Giáo của Nhậm Ngã Hành đưa 10 cao thủ đến cướp Quỳ Hoa Bửu Điển, đó là nguyên nhân mà Đông Phương Bất Bại của Nhật Nguyệt Thần Giáo luyện Quỳ Hoa Bửu Điển và trở nên vô địch thiên hạ thời bấy giờ.



Vì phải tự thiến, cũng giống như Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi, Đông Phương Bất Bại trở thành ái nam ái nữ, hàng ngày sống trong phòng cấm như một hoàng hậu ngày xưa, chơi với bông hoa và thêu thùa.



Đông Phương Bất Bại yêu say đắm một thanh niên đẹp trai trong thần giáo tên Dương Liên Đình, và đến chết cũng xin Nhậm Ngã Hành bảo vệ cho người yêu.



Võ công của Đông Phương Bất Bại rất phi phàm, đã không bị bại dưới Độc Cô Cửu Kiếm của Lịnh Hố Xung, mà trái lại, còn làm cho 4 người Nhậm Ngã Hành, Lịnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh và Hướng Vấn Thiên bị thương vì mũi kim thêu ngắn ngủn. Cuối cùng, Đông Phương Bất Bại lại bị bại, không phải vì non kém về võ công, mà bị Nhậm Doanh Doanh dùng đòn tâm lý, khống chế và đe dọa mạng sống Dương Liên Đình, nên Đông Phương Bất Bại vì người yêu mà phải buông tay chịu trận.





7* Tịch Tà Kiếm Pháp



Sau khi Độ Nguyên Thiền Sư có được Quỳ Hoa Bửu Điển thì hoàn tục tên Lâm Viễn Đồ, cưới vợ, lập ra tiêu cục Phúc Oai. Khi cuộc sống gia đình ổn định, ông bắt đầu luyện bí kíp, áp dụng vào sở trường kiếm thuật của mình mà tạo ra Tịch Tà Kiếm Pháp, phát triển thành 72 chiêu thức, lừng lẫy một phương và đã đánh bại được chưởng môn phái Thanh Thành là Trường Thanh Tử.



Từ đó, cao thủ khắp nơi tìm mọi cách để chiếm kiếm phổ nầy. Đó là lý do khiến cho toàn bộ gia đình Lâm Chấn Nam và Phúc Oai tiêu cục bị sát hại bởi Dư Thương Hải, chưởng môn đời sau của phái Thanh Thành. Lâm gia chỉ còn lại một người là Lâm Bình Chi.



Theo lời kể của Lâm Bình Chi, thì phải tự họan, nếu không thiến, thì khi luyện nội công, lửa dục thiêu đốt ruột gan, tẩu hỏa nhập ma ngay lập tức, khiến người cứng đờ ngã ra chết liền.



Trong quá khứ, Lâm Chấn Đồ đã biết điều đó, cho nên sau khi có con nối dõi tông đường thì mới bắt đầu luyện tập.



Giang hồ đồn rằng Tịch Tà Kiếm Pháp là vô địch thiên hạ, nhưng trên thực tế, cả Nhạc Bất Quần và Lâm Bình Chi đều bị Độc Cô Cửu Kiếm của Lịnh Hồ Xung đánh bại, vì đã tìm ra sơ hở trong quá trình biến đổi chiêu thức.



Ngoài ra, tiểu thuyết Kim Dung còn cống hiến cho độc giả những võ công và bí kíp độc đáo như: Ảm Nhiên Tiêu Hồn Chưởng, Độc Cô Cửu Kiếm, Đả Cẩu Bổng Pháp, Hàng Long Thập Bát Chưởng, Nhất Dương Chỉ, Hàm Mô Công, Ngọc Nữ Tâm Kinh, Thái Cực Quyền, Thái Cực Kiếm, Lăng Ba Vi Bộ, Dịch Cân Kinh, và phép Gậy ông đập lưng ông của nhà Mộ Dung, Cô Tô. Võ học cũng có triết lý của nó, như nguyên tắc vô chiêu thắng hữu chiêu, nhu thắng cương, phép biến hoá dựa trên âm dương, bát quái của Kinh Dịch…



Võ công gắn liền với những nhân vật, những tình tiết li kỳ hấp dân cuốn hút người đọc, người xem, một thời ở trong và ngoài nước VN.





8* Kết



Thật ra, hầu như không có một môn võ nào được xem là “toàn thiện, toàn mỹ” cả. Trong nhiều ưu điểm có cái khuyết điểm, bên cạnh những mặt mạnh lại có mặt yếu, hoặc bị chế ngự bởi một quy luật tự nhiên nào đó.



Những môn võ chí cương thì bị chí nhu hoá giải. Hai sức mạnh đụng nhau thì nháng lửa, đưa đến một mất một còn, hoặc cả hai bị chấn thương trầm trọng. Trong cơn giông bão, cây to rợp bóng trong vườn trốc gốc, gãy cành, trái lại, bụi liễu, bụi trúc ngã nghiêng theo chiều gió, cúi rạp xuống rồi đứng lên an toàn.



Việc thắng bại trong trận đấu còn tùy thuộc vào tình trạng thể chất, tâm hồn và ý chí quyết thắng của người xử dụng chiêu thức. Có nhiều trường hợp, phải tìm sự sống mong manh trong cái chết. Và đôi khi cũng do trời hại kẻ gian nữa, ví dụ như võ công vô địch của Nhậm Ngã Hành, giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, bổng nhiên mất hiệu lực khi trời đất tối sầm trong hiện tượng nguyệt thực mà hàng chục năm chưa xảy ra lần nào.



Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đã thực sự đi sâu vào đời sống của người Việt Nam một thời trong quá khứ. Cũng có lúc, người Việt ở Hoa Kỳ say mê luyện chưởng bởi phim bộ Hồng Kông, thức đêm luyện chưởng, mì ăn liền xem chưởng, gọi phone cáo bịnh cũng vì mê chưởng.




Trúc Giang (Minnesota ngày 1-2-2012)



COMMENTS G+/FB:

1 Comments

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian