Phố núi
Nơi giao lưu, tản mạn... cùng bạn hữu yêu văn học nghệ thuật gần xa.
Không bao giờ quá sớm để kết bạn & quá muộn để yêu- Sandy Wilson

Lời ngỏ

Anh hàng xóm (Phần 1)- Phương Lan


       Nhà văn Phương Lan vừa gởi mail cho Phố núi và bạn bè một truyện ngắn mới tựa đề Anh hàng xóm  kèm theo video phát hành dưới dạng audiobook. Quý bạn đọc có thể thưởng thức bằng cách đọc hoặc nghe tùy thích. Xin chân thành cám ơn chị Phương Lan và ekip đã thực hiện rất công phu tác phẩm tràn đầy cảm xúc này 



ANH HÀNG XÓM

                                          (Truyện của Phương Lan)







       LD: Thuở hoa niên, có bạn nào mê cô hàng xóm không ? Bao nhiêu thơ nhạc viết về cô hàng xóm, nhưng hình như chưa có ai viết về anh hàng xóm.. Đó là 1 thiếu sót: có chàng mơ cô láng giềng, thì cũng có nàng yêu thầm anh hàng xóm chứ. Xin mời các bạn nghe tâm sự của một cô học trò yêu anh hàng xóm,một cuộc tình éo le và buồn.






Nhà văn Phương Lan -Anh hàng xóm
Nhà văn Phương Lan




Đã cuối thu rồi, sắp sang đông


Nghe gió heo may lùa qua song


Nhìn lá vàng rơi, lòng xao xuyến


Đã mấy thu rồi, anh biết không?


Nhớ sao cái thuở mình chung xóm

Gom kỷ niệm xưa, kể chuyện lòng




       Anh là hàng xóm của tôi, cùng trong một con hẻm nhỏ, nhà anh ở đầu xóm, phía trước có giàn bông giấy màu tím, nhà tôi ở giữa xóm, phía đối diện, sau lưng nhà là khu đất trống.  Xóm này nằm dựa ven một con sông nhỏ nước xanh trong, in bóng những hàng cây trên bờ, bên kia sông là cồn bắp.  Xưa kia, xóm chỉ có lèo tèo vài mươi căn nhà gỗ ọp ẹp, dân thương hồ dựng lên làm nơi ở tạm để rỡ hàng từ lục tỉnh lên Sài Gòn bằng đường sông.  Sau một trận hoả hoạn do bất cẩn, đã thiêu rụi toàn thể những căn nhà gỗ, xóm chỉ còn là một bãi đất trống.  Sau có người nhà giàu bỏ tiền ra mua, rồi xây cất thành hai dãy phố khang trang để bán hoặc cho mướn.  Người mua và người thuê lần lượt dọn đến, chẳng mấy chốc xóm trở nên đông đúc.  Dạo đó ở Sài Gòn, nhà và đất đều khan hiếm, nhưng phía sau dẫy nhà gần bờ sông, người ta vẫn chừa một khoảng đất trống khá rộng, có trồng nhiều cây lớn có bóng mát, không ai dám cất nhà trên đó cả, sợ bờ sông lở xụp.  Dẻo đất trống đó là thiên đàng thơ ấu của bọn trẻ con chúng tôi, những ngày nghỉ và những buổi chiều tan trường về, thường tụ tập ở đó, bầy đủ trò chơi đùa và tắm sông, hoặc câu cá.  Con sông nhỏ hiền hòa, chẳng bao giờ gây tai nạn, mặt sông ánh bạc, chỉ hơi gợn sóng lăn tăn mỗi khi triều dâng.  Lòng sông thoai thoải, gần bờ chỉ toàn sỏi cát, không có bùn nên rất sạch.  Nước chảy xuôi dòng, lênh đênh trên sông những dề lục bình có hoa màu tím không biết trôi về đâu.  Gió đem theo hơi nước từ mặt sông thổi vào bờ, làm mát mẻ thôn xóm những buổi trưa hè.  Thỉnh thoảng những con thuyền nhỏ chở đầy mía, chuối, hoặc dưa hấu đi ngang, tiếng mái chèo khua nước, tiếng gà xao xác, tiếng chó xủa râm ran tạo cho nơi đây một vẻ thanh bình.  Khu xóm tuổi thơ của tôi đẹp quá, nó làm ấm lòng tôi mỗi khi nghĩ tới, bởi vì tôi đã để lại nơi đây bao nhiêu kỷ niệm êm đềm.








       Gia đình anh và gia đình tôi đều nằm trong số những người đầu tiên đến cư ngụ.  Dạo mới tới xóm, tôi lên tám, thường chơi chung với lũ trẻ hàng xóm gồm cả trai lẫn gái, trong đó có đứa em út của anh.  Thằng Hiển hơn tôi một tuổi, nhưng hiền lành, khờ khạo nên thường bị tôi bắt nạt, bắt chơi chung các trò chơi con gái, chẳng bao giờ nó phản đối.  Ngược lại, đôi khi bọn con gái chúng tôi cũng theo nó đi bắn chim hoặc trèo me, trèo ổi.  Còn anh, khi đó mười bảy tuổi, đang học thi tú tài.  Anh đã qua rồi cái tuổi nghịch ngợm, anh sống như tách biệt với bọn con nít chúng tôi, thế giới của anh chỉ có sách vở và đàn hát.  Chẳng biết anh học ở đâu và hồi nào, nhưng anh đàn guitar và đàn phong cầm đều giỏi, anh hát cũng rất hay, giọng anh trầm và ấm áp, nghe quyến rũ lạ thường.  Trong trí óc non nớt của tôi, anh là thần tượng, cái gì của anh cũng nhất, anh cao lớn, đẹp trai giống tài tử Marlon Brando trong những phim chiếu bóng, anh hát hay không thua Sĩ Phú, anh lại học giỏi nhất xóm.  Có gì lạ đâu? trong một khu phố đa số là công chức nhỏ và những dân tiểu thương, con cái chưa qua bậc trung học, sự việc có một anh con trai sắp sửa thi tú tài là một điểm nổi bật.  Nhất là khi anh thi đậu, trở thành sinh viên đại học, anh là niềm hãnh diện của cả xóm, anh là tấm gương để các bậc cha mẹ trông vào mà răn dạy con cái.  Nhưng có người không nhìn anh qua lăng kính phóng đại, đó là chị Quỳnh Hương của tôi, chị nói con trai học văn khoa là cù lần, con người của anh cũng cù lần…  Mặc chị chê bai, tôi nghĩ ngược lại, tôi thấy anh là một người tài hoa đáng mến, chỉ thiếu con bạch mã, anh rất giống với ông hoàng tử trong mơ của tôi. Tôi thường nhìn anh với cặp mắt ngưỡng mộ, thời gian qua, khi tôi lớn lên, lòng ngưỡng mộ đó vẫn không thay đổi.  Còn anh, chắc chẳng bao giờ anh thèm để ý đến con bé con, tóc cột đuôi ngựa, da đen nhẻm vì dang nắng, thỉnh thoảng vẫn tụ tập cùng đám con nít, thập thò trước cửa nhà anh, nghe anh đàn hát.  Đôi lần thấy ồn, anh xua tay biểu đi chơi chỗ khác, thế là thằng Hiển, em anh lại kéo cả bọn ra bãi sông, rủ nhau nô đùa.  Nơi đây, không biết ai trồng mà có một cây trứng cá, cành lá xum xuê mọc de ra mặt sông nên không ai dám trèo, trừ thằng Hiển, nó leo cây rất giỏi mà bơi lội cũng rất cừ.  Mùa hè, cây đơm chi chít những trái màu đỏ và vàng, những trái trứng cá chỉ lớn bằng đầu ngón tay, chín mọng, thơm phức ngó bắt thèm.  Hiển trèo lên hái cả vốc, bỏ đầy hai túi, xuống chia cho tụi nhỏ, lúc nào nó cũng lựa cho tôi những trái to nhất, và chia cho tôi phần nhiều nhất.  Hiển chiều tôi lắm, tôi rủ chơi trò gì nó cũng chịu.  Những lần chơi chung, nó vẫn nhường nhịn và giả vờ thua, cố ý để cho tôi thắng.  Nó còn dạy tôi bơi nữa,  tôi nhút nhát, lại hay sợ nước, nên dù Hiển có kiên nhẫn dạy mãi, tôi cũng chỉ biết bơi lõm bõm, nhưng nó không bao giờ nổi cáu.  Có lần trèo tổ chim bắt được hai con sáo thật đẹp, Hiển chăm chút nuôi lớn và dạy sáo học nói, thằng San thích mê, gạ mua một con với giá năm đồng.  Dạo đó năm đồng to lắm, có thể mua được cái xe lửa chạy bằng pin có đường rầy dài bằng chu vi cái bàn lớn.  Đó là món đồ chơi xa xỉ mà Hiển hằng mơ ước, nhưng khi tôi ngỏ lời thích sáo, Hiển đổi ý không bán nữa, mà đem cho tôi.  Có lần chơi trò đám cưới, Hiển kết một vòng bông sứ thật đẹp, quàng lên tóc cho tôi giả làm cô dâu, nó nghiêng đầu ngắm nghía một hồi rồi nói:


       - Lớn lên tao sẽ cưới mày.


Anh hàng xóm      Tôi lắc đầu:


         - Hổng chịu đâu!


       -Tại sao?


       - Lớn lên tao sẽ lấy hoàng tử.  Hoàng tử đẹp trai, đâu có sún như mày?


      Hiển ngẩn mặt ra một lúc rồi hỏi:


       -Nếu mai mốt tao hết sún, mày có chịu không?


       Cũng không!


       -Tại sao?


       -Tại… tại… không là không, vậy thôi. Tôi gỡ vòng hoa ném xuống đất, không chơi trò này nữa, bữa nay mày kỳ cục, nói toàn những chuyện gì ở đâu á!


       Lúc đó tôi chín tuổi, chưa biết mắc cở.  Rồi tôi mười hai, còn Hiển thì đã hết sún.  Một hôm nó rủ tôi đi tắm sông, tôi không chịu, nó hỏi tại sao, tôi nói:


        -Tao lớn rồi, không cởi trần nữa, kỳ lắm.


      Hiển nhìn tôi chăm chú và mỉm cười:


       -Vân nói đúng, tụi mình lớn rồi.  Nghĩ ngợi một lát, nó bỗng đề nghị, Vân nè! từ nay đừng kêu Hiển bằng mày nữa nghe?


        -Thế kêu bằng gì?


        -Bằng anh, như mấy người lớn đó?


        -Còn khuya!


        -Vậy kêu bằng tên nghe?


      Vừa nói nó vừa nhìn tôi như năn nỉ, tôi thấy cũng chẳng hại gì nên gật đầu:


        -Ừ, kêu tên thì tạm được.




      Hiển mừng rỡ, chạy ngay về nhà, lát sau đem ra cho tôi một trái ổi xá lỵ to tướng, bảo là để ăn mừng.  Cuối mùa hè năm đó, gia đình anh và gia đình tôi tổ chức đi Vũng Tàu chơi chung.  Chúng tôi chạy nhảy trên bãi biển, tôi không biết bơi, nhưng cứ liều lĩnh theo mọi người ra xa, nước ngập gần tới vai.  Bất chợt một con sóng lớn ập tới, xô tôi té nhào, tôi loạng quạng mãi vẫn không thể đứng lên được, tôi bị uống một ngụm nước khá lớn, ho sặc sụa.  Hiển hốt hoảng níu được tôi, nhưng không đủ sức giữ cho tôi đứng vững và đưa tôi lên cao để tránh một con sóng khác, Hiển hét lên ầm ỹ.  Anh đang đẩy phao cho chị Quỳnh Hương, thấy thế vội bương bả bơi tới, rồi với đôi tay khoẻ mạnh, anh bế bổng tôi lên, đem vào bờ.  Trong cánh tay vững vàng của anh, tôi cảm thấy nhỏ bé và vô cùng yếu đuối, chưa bao giờ anh gần gụi tôi đến thế, tôi có thể ngửi thấy hơi hướm đàn ông toát ra từ bộ ngực nở nang của anh, và đôi mắt anh sâu thăm thẳm… Tôi rùng mình, khẽ nhắm mắt lại, người run lên nhè nhẹ.  Anh ghé sát mặt tôi, hỏi giọng lo lắng:


       - Em có sao không, Vân?




       Tôi lắc đầu, nuớc mắt tự dưng trào ra, tôi oà khóc như một đứa trẻ.  Mọi người tưởng là tôi sợ hãi, không ai biết rằng đó là những giọt nước mắt xúc động của cô bé mới lớn, lần đầu tiên cảm thấy những rung động kỳ diệu ở trong tay một người khác phái.




      Năm tôi mười ba tuổi, mới bắt đầu biết làm dáng.  Lần đầu tiên mặc thử cái áo dài mới, đi ngang nhà anh, tôi cố ý đi chậm lại, tôi biết giờ này anh đang có nhà.  Quả vậy, anh đang đứng ở trong cửa sổ nhìn ra.  Dạo này anh hay nhìn sang nhà tôi, chẳng biết anh nhìn cái gì, hay tôi chỉ tưởng tượng?  Nhưng chiều nào anh cũng đem đàn ra gảy, toàn những bản tình ca, nghe thật là du dương.  Hôm nay thấy tôi mặc áo mới đi ngang, anh có vẻ ngạc nhiên, thong thả bước ra cửa, tôi dừng bước, e ấp mỉm cười.  Anh ngắm nghía tôi một hồi rồi gật gù:


        -Bữa nay trông Vân lạ ghê!



Anh hàng xóm

      Tôi tưởng được anh khen nên đỏ mặt, sung sướng:


       -Chắc tại hôm nay là lần đầu tiên em mặc áo dài.  Anh thấy đẹp không?


     Trong thâm tâm, tôi mong được nghe một lời tán dương, nhưng thất vọng biết bao khi anh lắc đầu:


       -Không! Vân đừng mặc áo dài, trông lùng thà, lùng thùng kỳ lắm.




      Nói xong anh thản nhiên bỏ vô nhà, mặc tôi đứng trơ, vừa tủi thân vừa bẽ bàng.  Sao cùng một thứ hàng may áo, mà chị Quỳnh Hương mặc coi đẹp quá, còn tôi thì bị chê xấu xí? Chắc vì thân hình tôi chưa phát triển, chưa có những đường cong, nét lượn mỹ miều của thiếu nữ, tôi vẫn còn là một cô bé gầy gò, nửa trẻ con, nửa người lớn.  Vậy mà không biết thân, còn khoe làm chi? xấu hổ quá, tôi đứng xớ rớ, mặt nóng lên, nước mắt viền quanh.  Hiển nãy giờ vẫn đứng yên quan sát, thấy thế vội nắm lấy tay tôi an ủi:


        -Đừng để ý đến lời anh ấy.  Mỗi người một mắt, tôi lại thấy khác, tôi thấy Vân mặc áo dài coi chững chạc hẳn lên.


      Tôi hất tay Hiển ra, sẵn cơn tức, tôi trút hết cả lên đầu hắn:


        -Mấy người ác lắm.  Đi hết đi! tôi không cần ai an ủi hết.




      Nói xong, tôi cắm đầu chạy một mạch ra bờ sông sau nhà.  Đến bên cây trứng cá, tôi dừng lại thở, mặt đỏ gay, không hiểu vì nắng hay vì xấu hổ.  Hiển nãy giờ vẫn lẽo đẽo theo sau, lải nhải xin lỗi dùm anh hắn, nhưng tôi không thèm trả lời. Tôi tìm một chỗ có bóng mát, toan ngồi xuống trên đám lá khô dầy nhất, thì Hiển bỗng chợt la lên:


        -Đừng, đừng ngồi! chỗ đó có hang chuột.


      Tôi nhảy nai, Hiển cười hề hề:


       -Chuột cống to lắm, để tôi hun khói cho nó chạy ra cả bầy cho Vân xem nhé?


       -Khỏi, khỏi… Tôi sợ hãi kêu lên.


       -Đùa thôi mà, đừng sợ!  Bây giờ Hiển đi bắt cho Vân mấy con bướm đem về ép nghe?


       -Không, ác quá!


       -Thế sao mọi lần Vân vẫn thích?


       -Bây giờ không thích nữa, thế thôi.


      Hiển nhìn tôi, lắc đầu:


        -Dạo này Vân lạ quá, Hiển không hiểu nổi.


      Thế rồi, nghĩ ngợi làm sao, Hiển bỗng nói:


        -Vân ở đây đợi, Hiển bơi qua bên kia sông bẻ bắp ăn.





Anh hàng xóm      Nói xong, không đợi tôi đồng ý hay không, Hiển cởi áo, nhào xuống nước, sải một hơi qua bờ bên kia, bẻ một ôm bắp đem về, lui hui nướng ăn tại chỗ.  Bắp nếp non nướng toả mùi thơm điếc mũi, tôi không dỗi được lâu, hai đứa ăn quên thôi, mặt mũi cả hai đều nhọ nhem.  Nhìn mặt Hiển dính đầy lọ nghẹ trông như một thằng hề, tôi không thể nín được, bật lên cười, quên cơn tức bị chê xấu xí.  Hiển thấy tôi hết giận thì sung sướng ra mặt.  Vẫn giống như hồi còn bé, Hiển chiều theo tất cả mọi ý muốn của tôi, kể cả những ý muốn tai quái, như có lần cách đây đã mấy năm, tôi bảo Hiển phải để cho chuồn chuồn cắn rốn nó ( ?!?) thì dạy tôi bơi mới có kết quả, vậy mà nó cũng nghe theo.  Nhưng sau đó tôi đổi ý không chịu tập bơi nữa, chắc là Hiển tức, nhưng cũng không dám cằn nhằn, nó sợ bị tôi nghỉ chơi.  Niềm vui của Hiển là được thấy tôi vui, bây giờ cũng vậy, nó vui sướng hớn hở khi thấy tôi cười.  Sau khi ăn uống no nê, Hiển lăng xăng đi múc nước để hai đứa rửa tay, rửa mặt.




      Sinh nhật mười bốn tuổi của tôi, Hiển rụt dè đưa cho tôi một hộp nhỏ bọc giấy màu, có cột nơ hẳn hòi, lí nhí nói:


        -Tặng Vân nè!


      Hắn dúi gói quà vào tay tôi, rồi ù té chạy mất. Tôi mở gói quà, một cái băng đô cài tóc bằng nhung đỏ thật đẹp, kèm theo lá thơ màu xanh với hàng chữ của Hiển “ Tặng sinh nhật Ái Vân, để kỷ niệm ngày mới lớn. ”  Tôi mỉm cười, dạo này Hiển hay để ý săn sóc tôi từng ly, từng tí.  Từ nhỏ, Hiển vẫn hay cho tôi quà, thường chỉ toàn là đồ ăn, khi thì trái ổi, trái cóc, khi thì gói kẹo hoặc phong bánh in, đây là lần đầu tiên hắn tặng tôi một món đồ trang điểm.  Tôi xăm xoi, cài thử lên tóc, thấy đẹp thì cất giữ, lâu lâu mới đem ra diện, những khi ấy, Hiển nhìn tôi với ánh mắt cảm động và… biết ơn.  Anh hắn trái lại, chẳng bao giờ thèm quan tâm đến tôi, anh vô tình tới nỗi không hề biết rằng anh đã làm tôi đau lòng, nẫu ruột nẫu gan cả tháng trời về lời phê bình tàn nhẫn của anh dạo nọ.  Thế nhưng một hôm anh đã làm tôi ngạc nhiên lẫn sung sướng, khi nghe anh khen:


-        Vân học giỏi ghê, còn nhỏ mà sắp thi trung học rồi.


-        Em mười bốn, sắp sửa mười lăm rồi chứ bộ? Tôi dẩu môi nhõng nhẽo.


       Anh mỉm cười:


-        Thiệt à? hèn chi dạo này anh thấy Vân lớn bồng hẳn lên, ra vẻ thiếu nữ lắm rồi.  Vân lớn lên rồi cũng sẽ đẹp như chị Quỳnh Huơng cho coi.


       Tôi mắc cở ửng hồng đôi má:


-        Anh nói thế, chứ em làm sao sánh với chị Quỳnh Hương được?


-        Sao lại không? chị em thì giống nhau cũng là sự thường chớ.  Xem kìa! khi Vân cười, cái miệng in hệt chị Quỳnh Hương.




Anh hàng xóm      Tôi sung sướng, mặc dù biết đó chỉ là những lời tâng bốc, có lẽ tôi chỉ giống chị Quỳnh Hương ở đôi má lúm đồng tiền và cái miệng cười thật tươi, chứ đẹp như chị thì khó hy vọng, bởi vì chị Quỳnh Hương chẳng những đẹp nhất xóm, mà còn đẹp nhất trường nữa.  Chị hơn tôi có năm tuổi mà đã biết bao nhiêu người trồng cây si, còn tôi vẫn còn vẻ ngây ngô của một cô bé mới lớn với thân hình thẳng đuột, xẹp lép như lá lúa… Nhưng rồi tôi sẽ thay đổi chứ, khi tôi đến tuổi dậy thì.  Chẳng biết anh khen thật hay xã giao, nhưng dù sao những lời ca tụng của anh cũng làm cho tôi mát lòng, mát dạ và cảm động hết sức, tôi nhìn anh với ánh mắt chứa chan cảm tình.  Sự thân mật giữa anh và tôi ngày càng tăng thêm, bây giờ thì anh không còn làm lơ với tôi như trước kia, con bé đã bị anh chê xấu xí.  Chẳng những anh khen mà còn tìm cách lấy lòng tôi nữa, chẳng hạn biết tôi thích đọc sách, anh vội vàng mua đủ loại sách truyện cho… Hiển, vì anh biết thể nào Hiển cũng tặng lại cho tôi.  Vì anh tử tế như vậy, nên mỗi khi chị Quỳnh Hương bĩu môi chê anh điều gì, là tôi lại bênh anh chằm chằm, trước mặt chị, tôi không tiếc lời ca tụng anh.          Biết được như vậy, anh có vẻ cám ơn tôi lắm.  Một hôm đang lúc chuyện trò thân mật, anh bỗng hỏi:


-        Vân này, chị Quỳnh Hương đã có bồ chưa?


-        Anh hỏi để làm gì?


      Anh lúng túng, nhưng làm ra bộ thản nhiên:


-        Ờ, thì hỏi chơi cho biết vậy mà.


-        Chị Quỳnh Huơng có nhiều bạn lắm, trai cũng như gái, còn bồ thì em không biết.


-        Bồ là bạn thân nhất ấy mà.


-        Chị Mai chơi thân với chị em lắm, vẫn thường đến nhà em học bài, hai người cùng làm bài tập chung…


      Anh ngắt lời:


-        Không, anh nói bạn trai cơ! Em thấy chị Quỳnh Hương có vẻ thích ai nhất?


-        Em làm sao biết được?


      Thấy không khai thác được gì thêm, anh thôi không hỏi nữa và nói lảng sang chuyện khác.  Nhưng từ đó tôi không còn hứng thú để trò chuyện nữa, tôi hoang mang tự hỏi anh điều tra về chị Quỳnh Hương là có ý gì?  Một ý nghĩ thoáng qua làm tôi buồn rầu, thì ra mình không phải là đối tượng để anh quan tâm, mà anh chỉ muốn làm thân với tôi để hỏi về chị Quỳnh Hương? Anh chưa hề thích tôi bao giờ cả, mà chỉ để ý đến chị Quỳnh Hương…


     

       Hiển vô tình đã xác nhận điều nghi ngờ của tôi là đúng, khi một hôm hắn thì thầm tiết lộ:


-        Ông anh của Hiển mê chị Quỳnh Hương, Vân ạ!


-        Sao Hiển biết?  Tôi hỏi mà lòng tái tê.


-        Biết chứ sao không? người mê gái cái mặt đờ đẫn dễ thấy lắm.  Sách vở của anh ấy vẽ chằng chịt toàn tên Quỳnh Hương, anh Vinh còn làm thơ…


-        Thôi, thôi đủ rồi.  Tôi ngắt lời, đừng nói với tôi chuyện đó nữa, tôi không muốn nghe, Hiển đi về đi!



Anh hàng xóm

  

      Nói xong tôi quay ngay vào nhà, bỏ mặc Hiển đứng ngơ ngác.  Tôi biết tôi không thể che dấu được nỗi thất vọng sâu xa đang hiện ra trên nét mặt, tôi không muốn ai thấy được tâm trạng của tôi trong lúc này.  Lặng lẻ, tôi bỏ vào phòng riêng đóng cửa lại, nghiền ngẫm nỗi đau một mình. Từ hôm đó, tôi cố lánh mặt anh, mỗi lúc phải đi qua đầu ngõ, tôi cúi đầu, cắm cúi bước thật nhanh.  Tôi tránh cả Hiển nữa, dạo này hắn hay qua nhà tôi, rủ tôi đi câu cá, thảng hoặc lắm tôi mới nhận lời, thật tình tôi không còn thấy hứng thú gì chơi những trò chơi ngày xưa tôi vẫn thích.  Hiển không hiểu những biến chuyển trong nội tâm tôi, hắn thấy tôi buồn thì cũng buồn lây, hắn từ chối không theo các bạn đi chơi thả diều, đá banh, lội đua qua sông… là những trò giải trí hắn vẫn ưa thích.  Chắc cũng giống như tôi, Hiển có tâm sự riêng.  Bẵng đi gần cả tháng, một hôm anh Vinh đón tôi ở đầu ngõ, lúc tôi đi học về:


-        Dạo này lâu quá sao không thấy Vân qua chơi? Lại cãi nhau với thằng Hiển chứ gì? Cái thằng tệ thì thôi, sao lại làm cho Vân giận chứ?


      Tôi muốn nói người tôi giận là anh đó, người tôi thương cũng là anh đó, không phải Hiển đâu, nhưng tôi không dám nói, nên cứ cúi mặt làm thinh. Anh hiểu lầm im lặng là xác nhận, nên nói như an ủi:


-        Để anh la thằng Hiển cho, bắt nó phải xin lỗi Vân. Thôi, vô nhà anh chơi, mẹ anh mới nấu xong nồi chè khoai môn ngon lắm, lát nữa sẽ biểu thằng Hiển đem qua biếu bên nhà em đó.


   

      Vừa nói, anh vừa vỗ nhẹ vào vai tôi rồi cười.  Tôi rùng mình, cảm giác trên bãi biển hôm nào trở lại… Tay anh như có luồng điện và tia nhìn của anh sao thu hút quá.  Anh Vinh có cặp mắt sâu thăm thẳm, vô cùng quyến rũ, anh nhìn ai là y như người đó bị chìm trong đáy giếng - hay chỉ mình tôi có cảm giác đó? tôi cũng không rõ nữa - Nhưng bây giờ thì cặp mắt đó đang nhìn tôi thiết tha như mời gọi, thế là như có một ma lực, tôi lẳng lặng theo anh vào nhà.  Anh bê ra một chồng sách, đưa cho tôi:


-        Anh mua sách này là để Hiển đem qua cho em, nhưng mấy hôm nay thấy nó cứ buồn bã chuyện gì đâu không, anh cũng chưa kịp hỏi.  Thì ra là chuyện xích mích giữa hai cô, cậu...


-        Không phải đâu anh! em và Hiển đâu có cãi nhau?


-        Thế là chuyện gì?


-        Em... em cũng không biết. Tôi ấp úng.


-        Thôi được, để anh hỏi nó.  Hai đứa không cãi nhau là tốt rồi.  À dạo này em vẫn đi học đều chứ?


-        Em vẫn…


-        Tháng mấy em thi nhỉ?


-        Tháng sáu.


-        Chuẩn bị bài vở xong chưa?


-        Sắp.


      Câu chuyện nhạt thếch mà cứ tiếp tục, và tôi vẫn chưa chịu ra về.  Quanh co một hồi, rồi anh mới chịu nhập đề:


-        Anh muốn nhờ Vân giúp anh chuyện này, Vân có bằng lòng không?


-        Anh cứ nói đi, nếu dễ thì em sẽ giúp anh.


      Vừa nói tôi vừa xúc một muỗng chè ngọt lịm đưa vào miệng.  Anh cười:


-        Dễ ợt à.


      Nói xong, anh đứng dậy đi về phía bàn học, rút từ trong ngăn kéo ra một lá thơ viết sẵn, cho vào phong bì, dán lại cẩn thận rồi mới đưa cho tôi:


-        Em giúp anh đưa cái thơ này, trao tận tay cho chị Quỳnh Hương dùm anh nhé?





Anh hàng xóm



      Cái muỗng trên tay tôi rơi xuống, miếng chè trở nên đắng ngắt trong miệng, nuốt mãi không trôi, nó cứ nằm chận nơi cuống họng, làm tôi ngộp thở, mặt tôi đỏ lên rồi tái xám.  Anh hốt hoảng:


-        Em làm sao vậy?


       Tôi vuốt ngực mãi mới trôi được cục nghẹn, nước mắt cứ chực ứa ra, nhưng tôi cố gắng ngăn lại. Tôi cố gượng một nụ cười như mếu:


-        Em mắc nghẹn, nhưng không sao cả.


      Anh thở phào:


-        Vậy mà làm anh hết hồn.  Ăn từ từ thôi.


      Anh dễ tin và hiểu sự việc một cách đơn giản, anh không biết rằng anh đang đang xé nát tim tôi.  Anh tàn nhẫn quá, tôi muốn đứng dậy bỏ ra về lập tức, nhưng tôi không còn đủ sức, tay chân tôi rũ liệt và đầu gối tôi lỏng lẻo, chắc chắn tôi không thể đứng vững trên đôi chân của mình.  Tôi đành ngồi im chịu trận, nghe lòng tan nát, nghe thế giới như đang xụp đổ quanh mình. Anh chẳng bận tâm nhiều về tôi, anh đang mải nghĩ cách chinh phục chị Quỳnh Hương… Với anh, tôi chỉ là một con bé con tham ăn mắc nghẹn, anh ngó lơ cho nó khỏi mắc cở, như thế là lịch sự rồi.  Đợi hoài thấy tôi vẫn không nói năng chi cả, anh sốt ruột dục:


-        Sao? Vân nhận lời chứ?


      Tôi không biết phải trả lời anh thế nào? từ chối ư? tôi không không biết phải viện lý do gì chính đáng để từ chối anh cả, nhưng nếu nhận lời thì có khác gì tôi tự tay phá hỏng mối tình tôi vẫn ấp ủ từ lâu trong lòng?  Thấy tôi cứ làm thinh, anh có vẻ giận:


-        Anh nhờ có một việc dễ dàng như thế mà sao Vân cũng ngần ngại?


      Tôi cố nén tiếng thở dài:


-        Em ngần ngại là vì em có lý do riêng của em.


-        Lý do gì?


-        Em sợ ba má em biết. Tôi bịa ra một cớ. 


-        Vân đừng sợ, không ai nói cả, sao ba má biết được?


      Rồi anh dỗ ngọt:


-        Anh không thấy có gì rắc rối hết, việc chi mà phải nghĩ tới nghĩ lui? Vân cố gắng giúp anh lần này đi, xong việc anh sẽ mua vé cho em và Hiển đi coi xi nê, cho hai người làm huề với nhau…




COMMENTS G+/FB

0 Comment:

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH:

  • Mục lục:
  • Theo thể loại
  • Theo tác giả
  • Theo thời gian